Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 4

* CHÚA GIÊSUCẦU NGUYỆN TRONG VƯỜN CÂY DẦU;

* MẸ MARIA CHIA SẺ MỌI KHỔ HÌNH ĐAU ĐỚN PHIỀN SẦU CỦA CHÚA

Vương quyền Thiên Chúa Cha hằng hữu ủy thác cho Chúa Giêsu được thiết lập vững vàng nơi các mầu nhiệm cực thánh Chúa cử hành tại Nhà Tiệc Ly. Khuya đêm Thứ Năm sau Bữa Tiệc Ly, Chúa Cứu Thế quyết định tiến hành trận chiến kinh hoàng là chịu Khổ Nạn hoàn tất Công Cuộc Cứu Chuộc. Chúa Giêsu chỗi dậy rời khỏi đại sảnh nơi có Bữa Tiệc thánh huyền nhiệm. Mẹ Maria cũng rời khỏi phòng tĩnh tâm đón gặp Chúa. Tại cuộc đối diện này giữa Thiên Chúa hằng hữu và Mẹ Maria, lưỡi gươm đau buồn xuyên thấu trái tim Con và Mẹ, tạo ra sự đau đớn vượt trên mọi sức tưởng tượng của loài người và các thiên thần. Mẹ Maria sầu bi phủ phục nơi chân Chúa Giêsu, thờ lạy Chúa là Thiên Chúa và Chúa Cứu Thế đích thực của Mẹ. Chúa Giêsu nhìn Mẹ Maria bằng vẻ uy nghi Thiên Chúa, đồng thời với tình yêu dạt dào của người Con, và Chúa chỉ nói với Mẹ: “Thưa Mẹ của Con, Con sẽ ở với Mẹ trong sự đau khổ. Mẹ Con Ta hãy chu toàn thánh ý Thiên Chúa Cha hằng hữu và việc cứu chuộc nhân loại.” Với trọn trái tim Mẹ, Mẹ Maria dâng mình làm hy lễ và xin Chúa chúc lành. Sau khi được Chúa chúc lành, Mẹ Maria trở lại phòng cầu nguyện, tại dây, do đặc ân Chúa Giêsu, Mẹ Maria thấy tường tận mọi việc xảy ra liên quan đến Con cực thánh. Nhờ đó Mẹ Maria có thể đi theo và đồng công trong mọi việc Chúa làm như được ủy thác cho Mẹ. 

Chủ nhân nhà Tiệc Ly, cũng hiện diện khi Mẹ Con gặp nhau, xúc động nhờ ơn Chúa, đã dâng ngôi nhà và mọi thứ trong nhà cho Mẹ Maria, xin Mẹ sử dụng mọi thứ trong nhà khi Mẹ ở Jerusalem. Với lòng khiêm nhượng cảm tạ, Mẹ nhận lời vị chủ nhà. Hàng ngàn thiên thần hộ vệ Mẹ hiện ra rõ ràng và cùng với một số phụ nữ thánh thiện ở lại với Mẹ.

Chúa Cứu Thế rời khỏi nhà Tiệc Ly cùng với các Tông Đồ và năm Môn Đệ hiện diện khi Chúa cử hành Bữa Ăn mầu nhiệm. Nhưng chỉ có mười hai Tông Đồ đi theo Chúa Giêsu thẳng về hướng núi Cây Dầu ở sát bên ngoài tường thành phía đông Jerusalem. Juda Iscariot, cảnh giác trong âm mưu phản bội để nộp Thầy chí thánh, phỏng đoán Chúa Giêsu có ý cầu nguyện suốt đêm như Chúa thường làm. Đây là cơ hội tốt để nạp Thầy cho những ký lục và biệt phái đồng mưu. Sẵn có ý định tàn khốc khủng khiếp này, hắn đi lùi lại phía sau, để cho Chúa Giêsu cùng với các Tông Đồ khác đi tới. Không bị các Tông Đồ để ý, hắn vội vàng đi tới địa điểm đổ vỡ và hủy diệt chính hắn. Trong lòng Juda Iscariot bất chợt bùng lên cơn rối loạn sợ hãi lo âu mà đây là nhân chứng trong lòng hắn về hành động tàn ác khủng khiếp hắn sắp mắc phạm. Bị đẩy đi trong cuồng phong dữ dội về những ý nghĩ do lương tri khốn nạn của hắn đưa ra, hắn tới nhà vị thượng tế mà như đứt hơi.

Nhìn thấy Juda Iscariot vội vàng hấp tấp trong việc mưu đạt được cái chết của Chúa Giêsu Kitô, Lucifer sợ rằng rốt cuộc Chúa Giêsu có thể đích thực là Chúa Cứu Thế. Nó hiện ra với Juda Iscariot đội lốt một người hết sức ác độc, người mà y quen biết trong âm mưu phản bội. Đội lốt người này, Lucifer có thể nói với Juda Iscariot mà không sợ bị nhận diện. Lucifer cố gắng thuyết phục Juda Iscariot rằng lúc đầu ý đồ bán Thầy của hắn có vẻ đáng khuyến khích vì những việc ác độc gán cho Chúa Giêsu. Nhưng sau khi suy xét vấn đề đó tường tận hơn, lúc này nó thấy không nên nộp Chúa Giêsu cho các tư tế và biệt phái. Chúa Giêsu không đến nỗi tệ như Juda Iscariot đã tưởng, Chúa Giêsu không đáng phải chết. Hơn nữa Chúa có thể tự giải phóng bằng một vài phép lạ và gây cho kẻ phản bội những khó khăn hết sức lớn lao.

Trong khi đó Chúa Giêsu cùng với mười một Tông Đồ tiến hành công cuộc cứu chuộc nhân loại gồm cả những kẻ đang âm mưu giết Chúa. Cuộc tranh sức cực kỳ lạ lùng vô tiền khoáng hậu giữa ác tâm cực độ của loài người và lòng nhân từ yêu thương vô cùng của Thiên Chúa! Nếu cuộc tranh đấu lạ lùng giữa thiện và ác khởi đầu từ nguyên tổ, cuộc tranh đấu đó hiển nhiên đã tới cực điểm trong cái chết của Đấng Cứu Chuộc vì lúc này thiện và ác đối diện và đưa ra sức lực mạnh nhất của mình. Lòng ác độc của loài người trong việc lấy đi mạng sống và danh dự của Đấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc đối đầu với tình yêu thương vô cùng của Chúa tự hiến dâng mạng sống và danh dự mình cho nhân loại. 

Theo cách suy luận của loài người chúng ta, có thể là linh hồn cực châu báu Chúa Kitô, cả Thiên Tính của Chúa nữa, trở lại với Mẹ Maria, để Chúa có thể tìm được một thụ tạo, mà ở đó tình yêu của Chúa có thể được đền đáp và nhận được những lời xin tha thứ vì tội coi thường các lệnh truyền của đức công chính. Duy nhất nơi Mẹ Maria, Chúa có thể thấy Cuộc Khổ Hình Tử Nạn đem lại thành quả toàn hảo. Nơi sự thánh thiện khôn lường của Mẹ Maria, đức công thẳng Chúa gặp được sự đền bù cho lòng ác độc của loài người. Nơi đức khiêm nhượng và yêu thương bác ái vô bờ của Mẹ Maria, kho tàng công nghiệp Chúa Cứu Thế được ký thác, để về sau Giáo Hội có thể vươn lên từ sự hy sinh của Chúa như phượng hoàng mới nở từ lớp tro ủ nóng. Sự thánh thiện tột đỉnh của Mẹ Maria là điều an ủi đem lại cho nhân tính Chúa Giêsu sức mạnh và nghị lực mới để chiến thắng ác tâm loài người; và Chúa Giêsu coi mình đã được đền đáp xứng đáng cho những đau khổ cực kỳ tàn bạo Chúa phải chịu do sự kiện là Mẹ rất thánh cũng thuộc về nhân loại.

Chúa Cứu Thế đi ngang qua suối Kidron (Gioan 8:1), vào vườn Gethsemani ở Núi Cây Dầu. Tại đây Chúa nói với mười một Tông Đồ: “Anh em hãy ngồi nghỉ tại đây chờ Thầy, trong khi Thầy đi xa hơn một chút để cầu nguyện (Mt 26:36); anh em cũng cần phải cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Lc 22:40). Thầy chí thánh cho các Tông Đồ lời khuyên này để các ông có thể vững vàng trong cơn cám dỗ mà Chúa đã nói cho các ông biết trong Bữa Tiệc Ly: tất cả các ông đều bị vấp phạm vì những tủi nhục cực hình Chúa chịu đêm đó, Satan sẽ tấn công để sàng sảy, khích động các ông bằng những lời giả dối; vì Mục Tử bị bạc đãi đánh đập bị thương tích, đàn chiên tan tác (Zach. 13:7).

Thầy hằng sống để lại đó tám Tông Đồ, đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê tới một nơi xa hơn (Mc 14:33). Chúa Giêsu ngước mắt nhìn lên và dâng lời chúc tụng Thiên Chúa Cha hằng hữu như thường lệ. Chúa âm thầm cầu nguyện xin cho việc hoàn thành lời tiên tri Zacharia, cho phép cái chết đến với Đấng cực thánh giữa loài người; truyền lệnh cho lưỡi gươm phép công thẳng của Thiên Chúa thi hành đối với Vị Mục Tử và giáng xuống trên “Đấng Thiên Chúa làm người” toàn lực chí tử. Chúa Giêsu lại dâng chính mình đền bù phép công thẳng Thiên Chúa Cha và cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu ưng thuận rằng tất cả mọi đau đớn hành hạ nhục nhã trong Cuộc Khổ Hình và Chết của Chúa phải được để tự nhiên đối với thân xác có khả năng chịu đau khổ. Từ lúc đó Chúa Giêsu ngưng và chặn lại mọi nguồn an ủi thoa dịu từ Thiên Tính không biết đau đớn tràn qua nhân tính, để trong hoàn cảnh bị bỏ rơi này những thống khổ đau đớn Chúa chịu có thể lên tới tột đỉnh. Thiên Chúa Cha chấp nhận các lời cầu xin và toàn thể hy lễ nhân tính thánh hiến của Chúa Cứu Thế.

Lời cầu nguyện này khác chi mở đập nước mà qua đó những dòng sông thống khổ của Chúa tìm được lối vào như cơn sóng thần bất khả kháng cự của đại dương (Tv 68:2). Lập tức, Chúa Giêsu buồn phiền, cảm thấy thống khổ trong linh hồn vì vậy Chúa nói với các Tông Đồ: “Linh hồn Thầy buồn phiền đến nỗi chết” (Mc 14:34). Chúa phủ phục trên đất dâng lên Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể xin cất chén này khỏi Con” (Mt 24:38). Chúa Kitô thốt lên lời cầu nguyện này, mặc dù Chúa từ trời xuống trần gian với mục đích rõ ràng là thực sự chịu đau khổ và chết vì loài người. Chúa không kể gì đến sự sỉ nhục trong Cuộc Khổ Hình, sẵn sàng chấp nhận Khổ Hình và khước từ mọi an ủi của loài người. Bằng tình yêu mãnh liệt cực độ Chúa mau lẹ đi tới cái chết, tới với những nhục mạ, những đau đớn và ưu phiền. Chúa đặt giá loài người quá sức cao, đến mức Chúa quyết định cứu chuộc loài người bằng việc đổ chính Máu thánh Chúa.  Cơn buồn phiền của Chúa Kitô gia tăng tương ứng với sự cao cả của tình thương vô cùng trong khi nhân loại sẽ vẫn cứng lòng hững hờ đối với phúc lộc do Cuộc Khổ Hình và Tử Nạn của Chúa (Lc 22:44). Nỗi buồn phiền của Chúa gia tăng mãi tới mức những giọt mồ hôi lớn trộn máu từ thánh thể Chúa toát ra nhỏ xuống đất. Lời cầu nguyện “Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén đắng này khỏi Con” được thốt lên chính vì đau lòng xót thương các người tội lỗi bị trầm luân vì họ quyết tâm chà đạp lên tình thương vô cùng và công nghiệp Ơn Cứu Chuộc. Chúa đã đạt được từ lời cầu nguyện này nguồn ân huệ tràn đầy bao la hơn cho loài người. Qua đó, các ân sủng do Ơn Cứu Chuộc được gia tăng gấp bội cho các thánh và người công chính. Nhiều đặc ân và thánh sủng, mà những kẻ tội lỗi tự làm cho chúng không xứng đáng hưởng, được chuyển qua cho các người được tuyển chọn. Ước nguyện của nhân tính Chúa Kitô phù hợp với thánh ý Thiên Tính, chấp nhận chịu đau khổ vì từng loại người. Các người tội lỗi được ban đủ ơn giúp đỡ cần thiết nếu họ sử dụng Công Nghiệp Ơn Cứu Chuộc. Những người được tiền định lợi dụng được Ơn Cứu Chuộc làm phương tiện vô song do việc họ cộng tác với ân sủng. Để phê chuẩn thánh ý này, khi Thầy chí thánh của chúng ta đang lịm đi trong buồn phiền, Thiên Chúa Cha hằng hữu, lần thứ ba, phái Tổng Lãnh Thiên Thần Michael đến an ủi Chúa Giêsu bằng thông điệp hết sức yêu dấu, xác nhận những điều Chúa Giêsu đã biết do sự hiểu biết được thông cho linh hồn cực thánh Chúa.

Chúng ta trở lại Nhà Tiệc Ly, nơi Mẹ Maria hiện diện cùng với các phụ nữ thánh thiện. Từ Nhà Tiệc Ly, nhờ quyền năng Thiên Chúa, Mẹ thấy rõ ràng mọi mầu nhiệm và các việc của Con cực thánh trong vườn Cây Dầu. Khi Chúa Cứu Thế đi xa khỏi ba Tông Đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê, Mẹ Maria cũng tách rời khỏi các phụ nữ thánh thiện đi tới một phòng khác. Khi rời khỏi các bà, Mẹ Maria khuyên các bà cầu nguyện và cảnh giác để khỏi sa chước cám dỗ, nhưng ba bà cùng tên Maria đi theo Mẹ. Rời xa ba bà thân tín này, Mẹ Maria xin Thiên Chúa Cha hằng hữu ngưng mọi nâng đỡ an ủi cả thể xác cả tinh thần, để không điều gì cản trở Mẹ kết hiệp với Con cực thánh cùng chịu những đau đớn cực độ. Mẹ Maria xin Chúa cho Mẹ được phép cảm thấy, chịu nơi thân xác Mẹ mọi đau đớn, mọi thương tích và hành hạ Chúa Giêsu phải chịu. Lời Mẹ Maria xin được Thiên Chúa Ba Ngôi chấp nhận và Mẹ lần lượt chia sẻ mọi đau đớn hành hạ y hệt như Con cực thánh phải chịu. Những đau đớn thống khổ đó hết sức kinh khủng đến mức, nếu Thiên Chúa Cha không gìn giữ hẳn Mẹ Maria đã chết nhiều lần, nhưng những đau khổ này, do chính Thiên Chúa gây ra, lại là bảo đảm và niềm vui sống mới. Vì trong tình yêu thương cực kỳ mãnh liệt, Mẹ cho rằng nhìn thấy Con cực thánh Mẹ chịu Khổ Hình và Chết mà không được phép chia sẻ những thống khổ đó thực sự là nỗi đau đớn cực độ.

Ba bà Maria được Mẹ Maria yêu cầu đi theo phụ giúp trong nỗi đau đớn của Mẹ, để thi hành mục đích này, ba bà được ban cho ơn soi sáng và ân sủng lớn lao hơn các bà khác. Khi ở trong phòng tĩnh tâm với ba bà Maria này, Mẹ Maria bắt đầu cảm thấy lo âu phiền sầu khác thường và nói với các bà: “Linh hồn Mẹ đau buồn vì Con cực thánh Mẹ sắp sửa chịu đau khổ và chết, mà Mẹ không được phép chịu đau khổ và chết với Chúa. Các bạn của Mẹ, hãy cầu nguyện để các bạn không bị sa chước cám dỗ.” Sau khi nói lời này, Mẹ Maria đi xa các bà một khoảng ngắn và phục xuống đất như Chúa Giêsu. Mẹ Maria cảm thấy cũng nỗi buồn phiền Chúa Cứu Thế chịu trong vườn Cây Dầu. Mẹ Maria cũng trở lại với các bạn đồng hành của Mẹ để an ủi các bà vào những lúc Chúa Cứu Thế trở lại với các Tông Đồ, vì Mẹ biết cơn phẫn nộ ma quỉ đối với các bà. Mẹ Maria khóc thương các linh hồn biết trước bị trầm luân. Vì được soi dẫn cao xa, Mẹ thấu hiểu các mầu nhiệm về số phận được hạnh phúc vĩnh cửu và bị trầm luân đời đời. Để bắt chước và đồng công với Chúa Cứu Thế trong mọi sự, Mẹ Maria cũng đau buồn toát mồ hôi máu, y như Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu. Do ý Thiên Chúa, Mẹ được Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel viếng thăm, như Chúa Kitô Con Mẹ được Tổng Lãnh Thiên Thần Michael an ủi. Thiên Sứ Gabriel giải thích cho Mẹ biết thánh ý Thiên Chúa Tối Cao cùng cách Thiên Sứ Michael chuyển đến Chúa Kitô. Lời cầu nguyện, nguyên do sự buồn phiền nơi Chúa Kitô và Mẹ Maria y hệt như nhau.

Khi Juda Iscariot và đồng bọn đang tới gần. Chúa Giêsu trở lại với các Tông Đồ lần thứ ba mà thấy các ông đang ngủ, Chúa nói với ba Tông Đồ ưu tuyển: “Anh em ngủ nghỉ được sao? Đủ rồi, thời điểm đã tới; hãy coi Con người bị phản bội, bị nộp cho kẻ tội lỗi. Đứng lên nào, chúng ta cùng đi. Coi kìa kẻ sẽ phản bội Thầy tới nơi rồi” (Mc 14:41). Chúa không quở trách các ông nặng lời hơn những lời hiền lành và yêu thương này. Tâm tư nặng chĩu, các ông không biết phải đáp lại lời Thầy chí thánh như thế nào (Mc 14:40). Các ông đứng dậy đi theo Chúa Giêsu đến với tám môn đệ kia. Chúa thấy các ông cũng cùng cảnh tâm tư nặng chĩu do nỗi buồn phiền lớn lao và ngủ vì mệt mỏi. Khi Thầy chí thánh ra lệnh, tất cả các ông cùng nhau mau mắn và huyền nhiệm tạo thành một thân thể mà Chúa Giêsu là Đầu, đi tới phía các kẻ thù. Bằng cách đó Chúa dạy các ông sức mạnh của sự hỗ tương đoàn kết để chiến thắng ma quỉ và những kẻ theo nó và tránh khỏi bị chúng đánh bại. Vì theo lời Sách Thánh “Sợi dây ba tao khó đứt” (Gv 4:12), và mãnh hổ nan địch quần hồ, đó là sức mạnh của sự đoàn kết. Chúa Giêsu lại an ủi các Tông Đồ và nói cho các ông biết trước mọi việc sẽ xảy ra. Tiếng ồn ào của bọn lính và tay sai tiến bước bắt đầu nghe thấy. Chúa Cứu Thế tiến ra đón gặp họ trên đường. Với tình yêu khôn sánh, can đảm tuyệt vời và nhân từ thương xót vô cùng, Chúa âm thầm cầu nguyện: “Ôi những đau khổ Ta bao ngày khao khát mong đợi, hỡi những đau đớn, thương tích, sỉ nhục, hành hạ và cái chết nhục nhã, hãy tới, hãy tới, hãy mau tới, vì lửa yêu thương, luôn luôn bừng cháy ước ao việc cứu chuộc nhân loại, nóng lòng thấy các ngươi gặp Đấng Vô Tội trong tất cả loài người. Ta biết rõ giá trị các ngươi. Ta đã tìm kiếm, ước mong, khẩn khoản các ngươi, Ta tự ý hoan hỉ gặp các ngươi. Ta đã mua các ngươi bằng sự lo lắng tìm kiếm các ngươi và quí trọng giá trị các ngươi. Ta muốn chuộc và làm tăng giá trị các ngươi, nâng các ngươi lên địa vị cao cả nhất. Hỡi cái chết hãy đến, để do việc Ta chấp nhận ngươi, mà đúng ra Ta không phải chết, Ta có thể chiến thắng ngươi, giành lại sự sống cho những kẻ bị luận phạt phải chết vì tội lỗi của họ (Hosea 13:14). Ta cho phép các bạn hữu của Ta bỏ rơi Ta; vì chỉ một mình Ta ao ước và có thể dự trận chiến này để giành được cho họ chiến thắng vinh quang” (Is 53: 3).

Trong khi Đấng tạo thành sự sống nói những lời này và dâng lên lời cầu nguyện, Juda Iscariot tiến lên để ra hiệu như nó đã thỏa thuận với đồng bọn (Mt 26:48). Hôn chào nhau là tập quán tốt, nhưng đây là cái hôn hòa bình giả tạo, bằng cái hôn này bọn lính và tay sai các thượng tế chắc chắn nhận được Chúa Giêsu là người chúng phải bắt giữ tức thời. Những dự liệu cẩn thận được tên môn đệ phản bội bất hạnh này áp dụng, không những chỉ vì tham tiền và ghét Thầy nó, mà cũng còn vì sự sợ hãi. Juda Iscariot lo sợ gặp Chúa, phải đương đầu với Chúa trong tương lai, nếu Chúa Kitô không bị giết trong dịp này. Nó sợ điều đó hơn cái chết linh hồn nó, hoặc cái chết của Thầy chí thánh. Để chặn trước việc nó lo sợ, Juda Iscariot hấp tấp hoàn thành việc phản bội, muốn nhìn thấy Đấng tạo thành sự sống phải chết trong tay kẻ thù. Tên phản bội chạy tới Chúa, Đấng hiền lành vô cùng; làm bộ che giấu lòng căm thù, nó in lên mặt cực thánh Chúa cái hôn hòa bình và nói: “Lạy Thầy, xin Thiên Chúa giữ gìn Thầy.”

Sự luận phạt đời đời của Juda Iscariot đã chín mùi do hành động phản bội quá sức trắng trợn này. Về phần tên môn đệ bất trung Juda Iscariot, sự quỉ quyệt và liều lĩnh đã tới tột đỉnh. Nó chối bỏ hoặc không tin Chúa Kitô biết rõ nó phản bội. Bất chấp quyền năng của Chúa, nó ngụy trang âm mưu ác độc dưới lớp áo bằng hữu của người môn đệ đích thực. Nó làm tất cả điều này chỉ vì mục đích đổi lấy cái chết hãi hùng dữ dằn của Đấng Tạo Thành và Thầy nó, Đấng mà nó bị ràng buộc bởi biết bao nhiêu bổn phận. Chỉ trong một hành động phản bội này mà thôi, Juda Iscariot đã phạm quá nhiều tội kinh khủng không thể nào lường. Nó là tên phản bội, sát nhân, phạm thánh, vong ân bội nghĩa, bất nhân, không vâng lời, xảo trá, gian dối, bất hiếu, giả hình độc nhất vô nhị, mà mọi thứ này đều gồm trong một và cùng một trọng tội phạm đến Ngôi Vị Thiên Chúa làm người.

Mẹ Maria hết sức lưu tâm đến mọi việc xảy ra trong việc Chúa bị bắt giữ, và do thị kiến, Mẹ nhìn thấy mọi việc rõ ràng hơn là nếu Mẹ đích thân ở tại chỗ. Nhờ các thị kiến, Mẹ thấu vào những lời nói việc làm của Chúa. Khi thấy đám lính và đầy tớ phát xuất từ nhà vị thượng tế, Mẹ Maria thấy trước các bất kính sỉ nhục chúng sẽ đối xử với Đấng tạo dựng và cứu chuộc chúng. Mẹ mời các thiên thần và các phụ nữ thánh thiện ở Nhà Tiệc Ly kết hợp với Mẹ dâng lên Chúa việc tôn thờ chúc tụng để đền bù những đau đớn sỉ nhục Chúa phải chịu trong tay bọn tôi tớ ma quỉ. Mẹ nói cho các bà biết bây giờ Con cực thánh Mẹ cho phép kẻ thù bắt và hành hạ Ngài, chúng sắp sửa sử dụng sự cho phép này cách bất kính và độc ác nhất. Được các thiên thần và các phụ nữ đạo đức giúp đỡ, Mẹ Maria trung tín thực hành các việc bề trong và bề ngoài về Đức Tin và Đức Yêu Mến nhiệt thành, tuyên xưng, thờ lạy, chúc tụng, tôn vinh Thiên Tính hằng hữu và nhân tính cực thánh Đấng Tạo Thành và Chúa của Mẹ. Các phụ nữ thánh thiện bắt chước Mẹ Maria bái gối và sấp mình xuống đất thờ lạy Chúa. Các thiên thần đáp xướng những ca vịnh mà Mẹ Maria tán tụng, hiến dâng, tôn vinh Thiên Tính và nhân tính Chúa Kitô. Tỉ lệ thuận với mức độ con cái sự quỉ quyệt gia tăng sự bất kính và hành hạ đối với Chúa Kitô, Mẹ Maria tìm cách đền chuộc những xúc phạm đó bằng việc chúc tụng tôn thờ.

Mẹ Maria không chỉ làm nguôi ngoai Vị Quan Phán chí công, mà còn xin được đặc ân, thánh sủng và lòng khoan dung nhân từ Thiên Chúa cho chính những kẻ hành hạ Chúa. Do đó Mẹ xin được sự lấy ân báo oán cho những kẻ không ngừng chồng chất chống đối sai lầm trên Chúa Kitô vì giáo lý và ân sủng Chúa. Lòng thương xót của Mẹ Maria lên tới tột đỉnh đối với tên ngoan cố phản bội Juda Iscariot. Mẹ Maria thấy nó nạp Chúa Giêsu bằng cái hôn bằng hữu giả dối. Mẹ suy gẫm sự kiện là chỉ thời gian hết sức ngắn trước đây miệng nó đã rước Thánh Thể Chúa, gương mặt cực thánh Chúa chỉ sau đó không lâu đã để cho đôi môi dơ bẩn của Juda Iscariot được chạm vào. Trái tim Mẹ bị sự đau buồn xuyên thấu và lòng bác ái xót thương làm cho tan nát. Mẹ Maria nhân từ xin Chúa Giêsu ban những ân sủng mới, nhờ đó tên phản bội này, đã được đặc ân chạm vào mặt Chúa mà các thiên thần ước mong ngắm nhìn, có thể tự cứu khỏi bị trầm luân đời đời nếu nó chịu dùng các ân sủng đó. Để đáp lại lời cầu nguyện này từ Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã ban cho Juda Iscariot những ơn mãnh liệt ngay sau khi nó hoàn thành việc phản bội. Nếu con người bất hạnh đó tuân theo, đáp ứng các ân sủng này, Mẹ nhân từ hay xót thương hẳn đã xin cho nó được nhiều ơn khác nữa và sau cùng là ơn tha thứ tội lỗi. Mẹ Maria đã từng làm như thế cho nhiều người tội lỗi kinh khủng, những người này đã sẵn sàng làm vinh danh Mẹ, nhờ đó đã giành được vinh quang đời đời cho chính họ. Nhưng Juda Iscariot đã không thực hiện điều này vì thế mất mọi cơ may được cứu rỗi.

Khi các đầy tớ của vị thượng tế ra tay bắt trói Chúa Cứu Thế, Mẹ Maria cảm thấy nơi hai bàn tay Mẹ những đau đớn gây ra do dây thừng (chão) và xích sắt, chẳng khác gì chính Mẹ đang bị trói và bị đánh đập. Cùng cách như thế Mẹ Maria cảm thấy trên thân thể Mẹ những đấm đá hành hạ giáng xuống thánh thể Chúa Giêsu, vì đặc ân này được Chúa ban cho Mẹ trong suốt tiến trình Khổ Hình Cứu Chuộc. Việc Mẹ Maria chia sẻ các đau đớn của Chúa Cứu Thế là cách làm nhẹ bớt những đau đớn hẳn Mẹ đã phải chịu trong linh hồn vì ý nghĩ là không được ở bên Chúa trong những hành hạ thống khổ Chúa phải chịu.

 LỜI MẸ MARIA Con của Mẹ, từ những điều con được cho hiểu và viết ra liên quan đến các mầu nhiệm này, con rút lấy cho chính con (và cho cả loài người) một án phạt nặng nề nếu con không chế ngự tính hèn nhát và sự vô ân bạc nghĩa cùng bản tính hèn hạ của con bằng việc ngày đêm suy gẫm Khổ Hình và Tử Nạn của Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Việc suy gẫm này là sự khôn ngoan tuyệt vời của các thánh, là bánh hằng sống, là lương thực tinh thần và sự khôn ngoan cho các linh hồn nhỏ bé. Rất ít người trần gian nghe theo sự khôn ngoan này, mà vì thiếu việc suy gẫm đó làm cho những kẻ yêu mến thế gian kiêu căng này chết đói (Kn 15:3). Mẹ muốn con chuyên cần và khôn ngoan trong khoa học này, vì với việc suy gẫm Khổ Hình và Tử Nạn của Chúa Cứu Thế, con có thể sắm cho con mọi thứ tốt lành (Kn 7:11). Con và Chúa của Mẹ đã dạy chúng ta sự khôn ngoan này khi Chúa phán: “Thầy là đường, là chân lý và là sự sống: không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Gioan 14:6). Con của Mẹ, con hãy nói Mẹ nghe: Nếu Chúa Cứu Thế, qua Khổ Hình và Tử Nạn, đã hiến mình làm sự sống và là đường cho nhân loại, thì không phải rõ ràng là nhân loại phải theo Chúa Kitô chịu đóng đanh, chịu đau buồn, chịu đánh đòn và chịu sỉ nhục sao? Con hãy nhìn xem sự ngu dại nơi những người muốn đến với Thiên Chúa Cha mà không theo Chúa Kitô. Nhiều người hy vọng được cai trị với Thiên Chúa nhưng lại không muốn chịu đau khổ, không muốn bắt chước nỗi thống khổ của Chúa. Họ không có lấy một chút ý nguyện chấp nhận phần nào Sự Thống Khổ và Tử Nạn của Chúa. Họ cũng không hề nghĩ đến việc cảm tạ Chúa vì đã chịu chết cho họ. Họ muốn việc Chúa chịu chết đem lại cho họ hoan lạc ở đời này cũng như đời sống vĩnh cửu. Nhưng họ không muốn bắt chước Chúa Kitô đã phải chịu đựng những đau đớn đày đọa đắng cay nhất để vào thiên đàng và cho họ gương sáng ngõ hầu họ biết phải làm thế nào tìm ra được con đường ánh sáng.

Hạnh phúc đời đời đối nghịch với sự xấu hổ vì đã không chịu khổ để đạt được hạnh phúc đó. Một người không thể đích thực là con cha, nếu nó không bắt chước cha; cũng không thể là môn đệ tốt nếu không theo Thầy mình; cũng không thể là đầy tớ tốt nếu không đi theo chủ. Mẹ cũng không kể người đó là con tận tình của Mẹ nếu y không chịu đau khổ với Mẹ và Con chí thánh Mẹ. Nhưng tình yêu của Chúa và của Mẹ đối với phần rỗi đời đời của loài người bắt buộc Chúa và Mẹ, vì nhìn thấy họ xao lãng chân lý này và quá sức chống đối việc chịu đau khổ, phải gởi đến cho họ những vất vả và hình phạt để giúp họ đi vào con đường cứu độ. Tuy nhiên ngay cả mọi thứ này cũng không đủ, vì các khuynh hướng và tình yêu mù quáng của họ đối với các thứ hữu hình cản trở, làm cho họ trở nên cứng lòng nặng nề. Những thứ ở trần thế làm cho họ không thể nhớ đến để yêu mến những điều vô cùng cao cả này, những điều có thể nâng họ lên trên chính họ và mọi thụ tạo. Vì thế người ta không tìm thấy niềm vui trong sự thống khổ, không thấy thoải mái trong những vất vả cực nhọc, không tìm được an ủi trong các điều buồn phiền, cũng không tìm được bình an trong nghịch cảnh. Những người này khác hẳn các thánh, các thánh hãnh diện vì thống khổ buồn sầu, coi những thứ này như là việc hoàn thành các ước nguyện tha thiết nhất. Người trần thế không thể ao ước một chút đau khổ nào và ghét tất cả mọi thứ đau đớn. Nơi nhiều tín hữu, sự ngu dại này còn đi xa hơn nữa. Một số người ước mong được tình yêu mật thiết nhất của Chúa làm cho họ nổi bật, những người khác ước mong được tha thứ mà không làm việc đền tội, những người khác ước mong được Thiên Chúa ưu ái. Những người đó sẽ không được một thứ nào trong các thứ này, vì họ không xin nhân danh Chúa Kitô, vì họ không muốn bắt chước và theo Chúa trong Khổ Hình của Ngài.

Vì thế, con của Mẹ, con hãy yêu mến ẵm lấy Thánh Giá và không nhận bất cứ sự an ủi nào ngoài Thánh Giá. Bằng suy gẫm và cảm nhận trong lòng con Nỗi Thống Khổ được thánh hiến, con sẽ đạt tới đỉnh trọn lành và đạt được tình yêu của một hiền thê. Con hãy chúc tụng và làm vinh danh Con chí thánh Mẹ vì tình yêu mà Chúa đã hiến thân mình để cứu chuộc nhân loại. Loài người nghe theo mầu nhiệm này ít ỏi chừng nào! Mẹ, là một chứng nhân, bảo đảm với con rằng sau việc ngự lên bên hữu Thiên Chúa Cha hằng hữu, Chúa Giêsu không quí trọng và tha thiết ước mong điều gì cho bằng nộp mình cho các kẻ thù của Chúa, hiến thân chịu đau khổ và chết để cứu chuộc nhân loại. Mẹ cũng ước mong con than khóc đau buồn vì sự kiện là Juda Iscariot, với âm mưu ác độc và phản bội của nó, lại có nhiều người theo hơn Chúa Kitô. Trong số những người theo Juda Iscariot, nhiều người là những kẻ bất trung, là những tín hữu Công Giáo xấu xa, là những kẻ giả hình, mang danh một Kitô hữu, bán và nộp Chúa Giêsu và lại muốn đóng đanh Chúa vào Thánh Giá. Con hãy khóc than tất cả những sự ác độc này, như con hiểu biết, để con có thể bắt chước và theo Mẹ trong vấn đề này.